Báo Văn Nghệ Quân Đội - Nghệ thuật luôn đồng hành cùng cái thiện . Bài phỏng vấn các Nghệ sỹ tham gia chương trình đấu giá "Vượt qua đại dịch Covid-19"

​​​​​​​Trong những ngày này, cả nước ta đã và đang cùng nhau cố gắng đẩy lùi dịch Covid-19. Mỗi người trên mỗi vị trí khác nhau đều chọn cho mình một cách phòng và chống dịch hữu hiệu nhất. Có nhiều tổ chức, cá nhân đã ra sức kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho các y, bác sĩ đang ngày đêm chống dịch nơi tuyến đầu. Góp mình vào công việc ý nghĩa này, nhiều họa sĩ đã cùng nhau gửi tác phẩm tham gia các chương trình đấu giá trực tuyến tác phẩm nghệ thuật để gây quỹ chung tay đẩy lùi đại dịch. Phóng viên tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với các họa sĩ Đặng Tiến, Nguyễn Minh (Minh phố), Quốc Trung về chương trình này.

PVXin chào các họa sĩ! Thuộc trong số họa sĩ đầu tiên tích cực tham gia các chương trình đấu giá tác phẩm nghệ thuật để gây quỹ ủng hộ các y, bác sĩ đang đêm ngày chống lại đại dịch Covid -19, các anh có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của mình về chương trình này?

Họa sĩ Đặng Tiến: Chúng ta đều biết, dịch Covid-19 vô cùng nguy hiểm, không chỉ với nước ta mà với cả thế giới. Những ngày qua, các y, bác sĩ và các điều dưỡng viên trực tiếp làm việc ở những nơi có người bệnh vô cùng vất vả và nguy hiểm. Ngoài việc đề phòng không để dịch bệnh lây lan rộng khiến các bệnh viện, cơ sở y tế quá tải sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, bất kể ai đều muốn đóng góp một phần công sức hỗ trợ các y, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi tuyến đầu chống dịch. Rất hay và kịp thời, nhóm nhà báo Phan Thanh Phong (báo Nhân dân Hàng tháng) và Võ Hồng Thu đã vận động mọi người quyên góp kinh phí ủng hộ các y, bác sĩ, điều dưỡng viên và các cơ sở y tế. Chương trình đã lan rộng và thu được kết quả rất đáng mừng. Ngoài sự đóng góp thiết thực về kinh phí, chương trình cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc phòng chống dịch. Tôi gửi bức tranh của mình tham gia đấu giá góp phần vào chương trình cũng không nằm ngoài mục đích trên.

Họa sĩ Nguyễn Minh: Đấu giá tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch” do IndochineArt và báo An ninh Thủ đô tổ chức là một chương trình rất hay và ý nghĩa. Chương trình không chỉ gắn kết các họa sĩ mà còn gắn kết cả cộng đồng bởi trong chương trình có các nhà sưu tập và công chúng yêu nghệ thuật.

Chương trình không chỉ gắn kết các cá nhân, các tổ chức cùng chung sức đẩy lùi Covid-19 mà còn có sự chọn lọc các họa sĩ tham gia để tôn vinh giá trị nghệ thuật của các tác phẩm hội họa. Tôi may mắn và cảm thấy hạnh phúc khi mình góp được một chút công sức.

Họa sĩ Quốc Trung: Đại dịch Covid-19 hiện đang diễn biến rất phức tạp và gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu, làm suy thoái và tê liệt nền kinh tế của tất cả các quốc gia. Trong hoàn cảnh như thế này thì những chương trình đấu giá, kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức là vô cùng thiết thực và đáng trân trọng.

PVViệc các họa sĩ chung tay làm từ thiện hay giúp đỡ mọi người bằng hình thức đấu giá tranh chắc hẳn đã từng có, nhưng với đại dịch Covid-19 thì dường như các anh đã tham gia với một tâm thế khác?

Họa sĩ Đặng Tiến: Đúng là chúng tôi đã tham gia nhiều chương trình tặng tranh bán đấu giá làm từ thiện. Các cuộc trước thường chỉ ủng hộ một vài trường hợp hoặc nhóm cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn, nhưng cuộc này có ý nghĩa khác hẳn. Như nói ở trên, dịch Covid-19 tác động đến cả thế giới. Chẳng riêng các y, bác sĩ, điều dưỡng viên mà cả đến lãnh đạo đất nước, toàn thể người dân đều căng thẳng, lo lắng và có nhiều hành động để phòng, chống dịch. Đã có nhiều người tình nguyện ở tuyến đầu. Việc đấu giá tranh đóng góp kinh phí lần này càng mang ý nghĩa hơn và đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều họa sĩ. Có những họa sĩ đã ủng hộ đến vài tác phẩm chất lượng. Mà chẳng riêng các họa sĩ, người chơi tranh nhiều khi không mua được cũng tự đóng góp một phần kinh phí ủng hộ chương trình.

Họa sĩ Nguyễn Minh: Tôi cho rằng đứng trước đại dịch hay bất cứ vấn đề xã hội nào cần được quan tâm thì không chỉ riêng tôi mà tất cả chúng ta đều cần có trách nhiệm trước những sự việc đó. Tôi luôn quan tâm đến mối quan hệ cộng sinh trong cộng đồng, điều đó không chỉ giúp con người gần nhau hơn mà còn khắc sâu thêm tính thiện có trong mỗi cá nhân.

PVCó nhiều người vẫn quan niệm, nghệ thuật và đời sống quá xa nhau, qua chương trình “Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch Covid 19” anh có thể chia sẻ quan niệm của mình về điều này?

Họa sĩ Quốc Trung: Nền nghệ thuật Việt Nam đã hình thành từ lâu, nhưng thị trường nghệ thuật thực sự thì có lẽ mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây. Chính vì thế việc hiểu và cảm thụ của đại đa số khán giả vẫn còn rất nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế đó chính là việc mọi người luôn coi nghệ thuật là cái gì đó rất cao siêu, rất xa vời, mà không hiểu rằng thực chất vấn đề ngược lại hoàn toàn. Nghệ thuật vốn luôn bắt nguồn từ thực tế đời sống, từ vốn sống của người nghệ sĩ cho dù nghệ sĩ đó vẽ theo phong cách nào đi nữa.

Trong chương trình đấu giá tranh mà tôi tham gia, ban tổ chức đã lựa chọn rất nhiều những tác phẩm với các phong cách đa dạng khác nhau. Đây cũng là một cơ hội để tất cả chúng ta có thể thưởng thức một bữa tiệc nghệ thuật với rất nhiều hương vị và cung bậc cảm xúc khác nhau, mà tất cả đều bắt nguồn và gắn chặt với cuộc sống thường ngày.

Họa sĩ Đặng Tiến: Nghệ thuật luôn đi cùng cuộc sống. Chúng ta hằng ngày vẫn tiếp nhận những thành quả của nghệ thuật: bộ quần áo đẹp chúng ta mặc, đồ nội thất trong căn nhà chúng ta ở, các chương trình ca múa nhạc chúng ta xem, nghe hằng ngày, ngay cả những bao bì hàng hóa cũng ngày càng đẹp... Đời sống càng cao, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng được nâng lên. Với hội họa cũng vậy. Trong chương trình đấu giá tác phẩm nghệ thuật vừa qua, tôi theo dõi thấy, có nhiều người từng đắn đo trong việc mua tranh treo trong nhà, chương trình đấu giá đã làm họ quyết định bỏ một số tiền (nhiều bức giá cũng khá cao) để mua tranh. Vừa là thực hiện nhu cầu (mà trước đó còn đắn đo), đồng thời cũng là góp phần hưởng ứng chương trình ý nghĩa. Ở những chương trình thế này, nghệ thuật (cái đẹp) ngoài đi vào đời sống, nó còn đồng hành cùng cái thiện!

Họa sĩ Nguyễn Minh: Đây là một câu hỏi hay, sẽ có nhiều ý để nói về điều này, tôi xin phép chia sẻ hai ý.

Như các bạn thấy, không chỉ ở chương trình này, còn có rất nhiều chương trình đấu giá hoặc tặng tranh cho các dự án ý nghĩa khác trong xã hội như xây dựng nhà chống lũ, xây dựng trường học cho các trẻ em vùng khó khăn…, các chương trình ấy đã, đang và vẫn luôn có sự đồng hành của các nghệ sĩ trong đó có các họa sĩ. Vậy lúc này đời sống và nghệ thuật đã là sự tương hỗ qua lại.

Hiểu theo một cách khác, là người nghệ sĩ thì bản thân họ đã có một trải nghiệm cuộc sống nhất định và họ chính là một lăng kính để phản chiếu lại cuộc sống qua cách nhìn, qua sự cảm của họ về cuộc sống ấy, lúc này tác phẩm của họ là một phần của cuộc sống, bởi lẽ nghệ thuật xuất phát từ trong đời sống.

PVCác anh có thể chia sẻ cho bạn đọc biết thêm về tác phẩm các anh đã đem đến tham gia chương trình này?

Họa sĩ Đặng Tiến: Tôi vừa có chuyến đi thực tế tại Mai Châu (Hòa Bình) cùng nhiều anh chị em họa sĩ Hải Phòng. Bức tranh sơn dầu khổ 75cm x 65cm Buổi sáng yên tĩnh, vẽ cảnh sương mù sáng sớm ở Mường Hịch (Mai Châu) được tôi thực hiện sau chuyến đi này với niềm hứng khởi. Tranh còn chưa khô hẳn, khi chương trình của các nhà báo Phan Thanh Phong và Võ Hồng Thu xuất hiện trên facabook, tôi đã đưa lên đấu giá để hưởng ứng.

Họa sĩ Nguyễn Minh: Với tác phẩm Mùa qua Phố 02 là chuỗi tác phẩm nằm trong giai đoạn nghiên cứu Phố ở cuối 2018 đầu 2019. Đây là giai đoạn mà tôi cho mình sự “tự do”, lúc này Phố như được bay nhảy, được “tung tẩy” qua nét vẽ, qua mảng màu, vẫn là tạo hình ấy nhưng những hình ảnh phố được lồng vào nhau, ẩn hiện. Thông điệp của thời kì này là sự lãng mạn, thi vị và tinh thần lạc quan trước mọi biến đổi của Phố qua từng thời đại. Qua đây tôi muốn gửi thông điệp này đến mọi người, chúng ta cùng sát cánh bên nhau và có một tinh thần lạc quan nhất để chống lại dịch bệnh.

Họa sĩ Quốc Trung: Tôi mang đến chương trình đấu giá tác phẩm Bến khuya với một phong cách vẽ khá khác biệt. Tác phẩm của tôi luôn sử dụng những vệt màu loang mạnh, một hiệu ứng mà thường chỉ thấy ở chất liệu màu nước chứ không phải là sơn dầu như tôi sử dụng. Trong tác phẩm tôi vẽ một góc con thuyền và mặt nước, tạo hình và vệt loang đan xen vào nhau một cách ngẫu nhiên đầy cảm hứng. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là cái cớ, là đường dẫn để người xem nhìn thấy tâm trạng cảm xúc của chính tôi, đó là một chút gì đó man mác buồn, hiu quạnh lặng lẽ trong đêm trăng khuya.

PVĐại dịch Covid-19 là điều chưa từng xảy ra với Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chúng. Là một nghệ sĩ, anh có cho rằng trong một bối cảnh đặc biệt người nghệ sĩ sẽ có thể sáng tạo nên những tác phẩm lớn?

Họa sĩ Đặng Tiến: Nghệ thuật thì luôn phản ánh cuộc sống. Người nghệ sĩ nào khi sáng tác cũng mong tác phẩm của mình thành công ở mặt chuyên môn, còn nó lớn hay không và lớn ở mức độ nào lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố (ví dụ như tầm của họa sĩ hoặc quan niệm của người xem...). Chúng ta đều biết, bức tranh vẽ đôi giày cũ của họa sĩ Van Gogh cũng được coi là tuyệt tác; hay như trước đây, bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng, khi mới vẽ xong bị phản đối, thế rồi sau đó được đánh giá là tác phẩm quan trọng của mĩ thuật hiện đại Việt Nam và trở thành Bảo vật quốc gia.

Họa sĩ Nguyễn Minh: Đây là một thời điểm để chúng ta cùng nhìn nhận lại sự tác động của con người đến môi trường sống nói chung. Ngay từ bây giờ chúng ta cần thay đổi cách ứng xử của mình đối với thiên nhiên, đối với môi trường sống. Chúng ta đã được nghe câu trả lời của thiên nhiên, của môi trường sống trong nhiều năm nay. Và tôi nghĩ người nghệ sĩ sẽ nhạy cảm với những điều đó và đó là những gạch đầu dòng cho những gợi ý về các ý tưởng mới.

Họa sĩ Quốc Trung: Đại dịch Covid-19 thực sự đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Điều này cũng tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Và nghệ thuật cũng vậy, cũng chịu những ảnh hưởng lớn. Tôi đã được chiêm ngưỡng rất nhiều tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh, tranh cổ động, video art, điêu khắc... được sáng tác trong bối cảnh đại dịch này. Các tác phẩm ấy rất xuất sắc và đầy tính thời sự. Tuy nhiên các nghệ sĩ thì lại luôn có những thiên hướng tư duy và phong cách sáng tác khác nhau. Cũng như âm nhạc chẳng hạn, không phải tất cả mọi thể loại phong cách đều phù hợp để sáng tác cho tuyên truyền cổ động.

PVHiện nay, cũng như ở trên thế giới nói chung, bệnh dịch Covid-19 ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Việc kêu gọi mọi người tham gia chương trình đấu giá tác phẩm nghệ thuật như vừa rồi là trực tuyến, thông qua/ phụ thuộc vào kết nối online. Các anh có nhìn nhận như thế nào về cách thức này, và trong tương lai liệu chúng ta có thể sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến tác phẩm nghệ thuật để tăng tính tương tác/ kết nối không? Điều này liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng nghệ thuật của tác phẩm hay có chi phối mĩ cảm của người xem?

Họa sĩ Quốc Trung: Trong bối cảnh hiện tại thì các kết nối online như thế này là một xu hướng không thể tuyệt vời hơn. Khi tất cả chúng ta gần như không ra ngoài để tương tác trực tiếp thì các chương trình đấu giá online như thế này mang đến những hiệu quả thúc đẩy rất tốt cho xã hội, nhà tổ chức và cũng là cơ hội quảng bá tốt cho các nghệ sĩ. Thị trường nghệ thuật vẫn đang hoạt động sôi nổi và không hề bị đóng băng. Tuy nhiên mọi vấn đề đều có tính hai mặt. Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật nên được thưởng thức trực tiếp thì người xem mới có thể cảm nhận đủ về xúc cảm màu sắc, bề mặt, không gian... mà khi xem trên màn hình thì những giá trị này bị giảm đi đáng kể. Cũng giống như khi chúng ta nghe các ca sĩ hát trực tiếp sẽ khác với việc chúng ta nghe qua các bản thu âm. Như vậy cả hai phương thức online và tương tác trực tiếp đều có những điểm mạnh và yếu khác nhau, vì thế tôi hi vọng trong thời gian tới khi mà dịch bệnh qua đi thì chúng ta sẽ sử dụng một cách hài hoà nhất cả hai phương thức này để giúp cho thị trường nghệ thuật của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh hơn.

Họa sĩ Nguyễn Minh: Internet đóng vai trò là phương tiện, là trung gian, trong thời điểm dịch hiện tại thì đây là cách làm hữu hiệu nhất. Tuy nhiên dù là tổ chức hay cá nhân nào đứng ra làm điểm cầu nối, thì công chúng luôn cần từ những cá nhân hoặc tổ chức đó sự uy tín và ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng, từ đó hình thành “sợi dây niềm tin” của công chúng dành cho các cá nhân và tổ chức ấy. Và lúc này, họ không chỉ là cầu nối mà họ còn phải tròn vai với sứ mệnh đã chọn, có trách nhiệm lan tỏa để các chương trình được phổ quát rộng hơn.

Trong tương lai việc đấu giá trực tuyến cũng là một giải pháp phù hợp trong thời đại kĩ thuật số, tuy nhiên, tùy thuộc tính chất hoặc mục đích của từng chương trình mà chúng ta áp dụng đấu giá trực tuyến ở mức độ nào. Tôi thích cả hai giải pháp đó là đấu giá trực tiếp tại sàn và có kết hợp online. Bởi hơn bao giờ hết bản thân các tác phẩm nghệ thuật thị giác đã có ngôn ngữ riêng, vẫn cần được cảm trực tiếp và xem tận mắt, trừ khi bạn không thể đến xem được.

Họa sĩ Đặng Tiến: Sự phụ thuộc vào kết nối online là rất rõ. Những tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng hoặc có sự tương tác lớn sẽ kết nối được nhiều người tham gia. Cả việc mạng viễn thông bị nghẽn cũng ảnh hưởng nhiều đến việc đấu giá. Đã có trường hợp, người gửi giá tiền tham gia đấu giá mà mạng bị nghẽn, gây những hiểu lầm... Tuy nhiên, đây vẫn là một kênh có nhiều ưu việt cho việc đấu giá tác phẩm nghệ thuật nếu như tốc độ đường truyền được nâng lên, lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng lớn. Việc đấu giá tác phẩm trên mạng cũng đòi hỏi các tổ chức, cá nhân thực hiện có đủ uy tín thông qua việc cung cấp thông tin chính xác, minh bạch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn các họa sĩ về cuộc trò chuyện thú vị và ý nghĩa này!

TÙNG LAM (thực hiện)

Theo vannghequandoi.com