Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Mùa hoa Tây Bắc, giao thừa hồ Gươm, xuân Tây Nguyên được vẽ bởi các danh hoạ hàng đầu Việt Nam gợi nhớ về không khí ngày Tết xưa.

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tranh khắc gỗ Mùa xuân, được hoạ sĩ Nguyễn Thụ (sinh năm 1930) sáng tác năm 1961. Học chuyên khoa lụa và khắc gỗ tại Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, ông có nhiều tác phẩm in khắc gỗ trong khoảng hai mươi năm từ 1960 đến 1980. Hoạ sĩ Nguyễn Thụ từng được cử làm đại diện giới mỹ thuật trong nước để đem tranh đi trưng bày tại các nước Đông Âu. Năm 1985, ông trở thành Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam, kế tục công việc của các danh họa Victore Tardieu, Esvariste Jonchere, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn và Trần Đình Thọ.

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tranh màu nước Phong cảnh mùa xuân do hoạ sĩ Trần Lưu Hậu (1928) vẽ năm 1989. Tác giả được đánh giá là một trong số ít hoạ sĩ đã xoá bỏ định kiến về tính "bảo thủ" của nghệ thuật thời kỳ Đổi mới, mang tới những quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, trở về với vẻ đẹp đời thường, bình dị và tự do cá nhân thay cho "cái minh hoạ tập thể".

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tranh lụa Hội mùa xuân của hoạ sĩ Chu Thị Thánh (1948), vẽ năm 1979 lụa. Nữ tác giả người Nùng là một trong những cái tên tiêu biểu của lớp hoạ sĩ dân tộc thiểu số thành danh trong thế kỷ 20, từng được chọn đi thực tập tại Hungary từ 1985 đến 1987. Với sở trường về sơn dầu và lụa, tranh của bà được đánh giá giàu chất thơ, bố cục sinh động và có cách hoà màu riêng biệt.

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tác phẩm tranh lụa Hội mùa xuân (1964) của hoạ sĩ Nông Công Thắng (1928-2011). Tranh lụa là một trong những loại hình nghệ thuật lâu đời của phương Đông, trong đó có Việt Nam. Khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925, những danh hoạ người Pháp như Victor Tardieu đã hướng sinh viên theo đuổi hai chất liệu truyền thống nổi bật của Việt Nam là lụa và sơn mài.

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tranh sơn mài Giao thừa bên Hồ Gươm của danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016), sáng tác năm 1957. Sinh thời, ông là một tài năng trong bộ tứ Liên - Nghiêm - Sáng - Phái (Dương Bích Liên - Nguyễn Tư Nghiêm - Nguyễn Sáng Bùi Xuân Phái) của nền hội hoạ hiện đại Việt Nam. Tên tuổi của ông đã vượt khỏi biên giới quốc gia, trở thành niềm tự hào lớn của mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ và trưng bày nhiều tác phẩm của cố hoạ sĩ, trong đó có tác phẩm Gióng là bảo vật quốc gia, từng được triển lãm tại Mỹ và định giá bảo hiểm lên tới 1 triệu USD.

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tác phẩm Đi chợ tết của hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), hoàn thành năm 1940 trên chất liệu lụa. Hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung được nhận xét là tài năng xuất sắc của hội hoạ hiện đại Việt Nam thế kỷ 20, với phong cách vẽ đậm nét phương Đông, giàu tinh thần dân tộc. Ông từng tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khoá XI (1935-1940), cùng thời với các danh hoạ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn. Là hoạ sĩ đa tài, ông có thể vẽ trên nhiều chất liệu từ bột màu, mực nho tới sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ...

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tranh khắc gỗ Hà Nội của tôi do hoạ sĩ Đinh Lực (1945) vẽ năm 1985, mô tả khung cảnh người dân sắm đào trên bờ hồ Hữu Tiệp, bao quanh là những ngôi nhà cổ đặc trưng của Hà Nội.

Giữa bức tranh là xác máy bay B52 của Mỹ bị bắn rơi tại làng hoa Ngọc Hà, Ba Đình năm 1972. Đến nay, xác máy bay vẫn nằm tại hồ, là chứng tích lịch sử cho cuộc chiến 12 ngày đêm của quân, dân thủ đô chống không quân Mỹ tập kích. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế nhận xét tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Đinh Lực, nhất là các đề tài về phố cổ đầy sáng tạo, giàu tinh thần Việt Nam. 

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tranh sơn mài Đón giao thừa (1958) của hoạ sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1989). Những đứa trẻ (giữa) đang chia nhau dây pháo, bên ngoài là khung cảnh những người lính đi tuần và người dân đổ ra đường đón năm mới. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đánh giá, kỹ thuật sơn mài của hoạ sĩ Lê Quốc Lộc đã tạo ra một phong cách tiêng biệt với những mảng màu nhẹ chồng lớp. Ông dùng nhiều màu vàng trên tác phẩm nhưng không loè loẹt, gợi ra chiều sâu thẳm của thời gian.  

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Tác phẩm Xuân Tây Nguyên ra đời năm 1962, thuộc thể loại sơn khắc do hoạ sĩ Trần Hữu Chất (1933) sáng tác. Đương thời, tác giả chuyên về chất liệu sơn mài, nhất là sơn khắc với nội dung về chiến tranh, cách mạng, văn hóa các dân tộc thiểu số và lễ hội ở nhiều vùng miền khác nhau. Tranh của hoạ sĩ Trần Hữu Chất nổi tiếng với đường nét đồ hoạ tinh tế và màu sắc rực rỡ.

Tết Việt gần 60 năm trước qua tranh

Cận cảnh một số chi tiết trong bức tranh sơn khắc. Đây là một thể loại khó của hội hoạ, đòi hỏi kỹ về phác thảo, bố cục, các mảng màu sáng tối. Những chi tiết khắc như biểu cảm gương mặt, lá, rễ cây (ảnh) cần chính xác, tỉ mỉ đến từng milimét. Một bức tranh sơn khắc mất đến hàng năm để hoàn thiện. Ngày nay, tranh sơn khắc hầu như trên chỉ xuất hiện trong các bảo tàng hoặc vài cuộc triển lãm. 

Tất cả các tác phẩm đều đang được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thuộc phần trưng bày mỹ thuật hiện đại - đương đại (từ thế kỷ 20 đến nay). Điểm đến này chỉ cách Văn Miếu Quốc Tử Giám vài bước chân. Trong chuyến du xuân đầu năm, bạn có thể tới xin chữ ông đồ và làm lễ tại Văn Miếu, kết hợp khám phá những hiện vật từng trải qua thăng trầm lịch sử. Các tác phẩm trưng bày tại đây đều mang vẻ đẹp tiêu biểu của nền nghệ thuật Việt Nam các thời kỳ.
Bảo tàng mở cửa từ 8h30 đến 17h các ngày trong tuần, trừ 3 ngày Tết. Vé vào cửa 40.000 đồng một người lớn, giảm một nửa với sinh viên, học sinh và miễn phí cho người cao tuổi, trẻ em.

Theo Vnexpress.net